03/12/2013
Lượt xem: 3164

Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp cần tăng cường liên kết

Hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá như thời gian trước, cần có định hướng thu hút mang tính chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng và có tính liên kết sản xuất cao.

KCN_Phu_My_II_-_Ba_Ria_-_Vung_Tau
Các Khu công nghiệp do IDICO đầu tư luôn thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến,
thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng và có tính liên kết sản xuất cao. Ảnh: IDICO.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư vào Khu công nghiệp Việt Nam”.

Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết: Các KCN, KKT Việt Nam cơ sở hạ tầng cứng tương đối tốt như tiện ích công cộng, công trình xử lý chất thải, tiện nghi tiện ích công cộng phục vụ doanh nghiệp thứ cấp. Một số địa phương đã và đang xây dựng các KCN chuyên sâu, phân khu công nghiệp hỗ trợ như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội... Ngoài ra, hệ thống hạ tầng mềm là các dịch vụ hành chính, “một cửa” tương đối phổ biến, các quy định ngày càng hoàn thiện và chi phí, ưu đãi đầu tư cạnh tranh so với nhiều nước. Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định chung, thực tế, đang có sự cạnh tranh ngày càng lớn với các nước trong khu vực trong việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT. Sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng việc thu hút các dự án vào các KCN ở những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc gặp không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng chất lượng quy hoạch KCN, KTT thiếu sự liên kết lãnh thổ, do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng địa phương chưa hiệu quả.

Nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, để tăng hiệu quả liên kết vùng, cần điều chỉnh lại cơ chế phân cấp. Với chính quyền địa phương, cần giảm nhiệm vụ về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, nhưng tăng nhiệm vụ về đảm bảo môi trường kinh doanh, dịch vụ công. Gắn phân cấp cho địa phương với đảm bảo nguồn lực thực hiện, đây là giải pháp cơ bản.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết: Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống các KCN, KKT ngày càng phát huy được vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. 289 KCN và 15 KKT ven biển tại 59 tỉnh, thành phố đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Các KCN,KTT đã thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2 triệu lao động.

- Nguồn Chinhphu.vn -